Skip to main content

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch hang động xã Tri Phương, huyện Tràng Định.

Xã Tri Phương là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, nhiều địa danh con người nơi đây gắn liền với chiến tích anh hùng của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, hiện nay xã Tri Phương đã trở thành xã vùng I của huyện Tràng Định; tỉnh Lạng Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên là 4614,33ha, tiếp giáp với các xã Chi Lăng, Đại Đồng, Đội Cấn, Quốc Khánh và xã Đức Xuân (tỉnh Cao Bằng), có trục đường quốc lộ 3B chạy qua đi vào cửa khẩu Nà Nưa, cách thị trấn Thất Khê 10km.

Xã Tri Phương từ lâu đã được biết đến là vùng đất cách mạng, nhân dân cần cù lao động sản xuất, anh dũng kiên cường trong đấu tranh, chống giặc ngoại xâm, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của huyện Tràng Định nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Trên vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng này còn bảo tồn, lưu giữ nhiều địa danh lịch sử, cách mạng, danh lam thắng cảnh như: Pác Lùng Ký Làng, Hang Cốc Mười, Đâư Quạn, Di tích Bản Bó, Ngườm Pác Ả. Mỗi di tích lịch sử cách mạng là niềm tự hào, bài học lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

1. Di tích lịch sử cấp Quốc gia Pác Lùng-Ký Làng (xếp hạng di tích Quốc gia năm 2004):

Pác Lùng Ký Làng là một địa danh thuộc thôn Nà Han, xã Tri Phương (nay là thôn Cốc Mười). Di tích là một khoảng đất trống cạnh con suối nhỏ sát chân núi trong thung lũng Ký Làng, phía trước di tích là những thửa ruộng của dân bản, đường lên di tích tính từ đường liên thôn dài khoảng 3.000m.

Di tích Pác Lùng-Ký Làng gắn liền với cột mốc lịch sử hào hùng trong lịch sử Đảng bộ huyện Tràng Định nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Nơi đây ngày 11 tháng 4 năm 1938, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Tràng Định với tên gọi Chi bộ Phi Mỹ.

Du lịch

Di tích Pác Lùng, Ký Làng

 

Chi bộ Phi Mỹ cũng là một trong những chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Sự thành lập chi bộ gắn liền với hoạt động và vai trò của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Sự kiện thành lập Chi bộ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình vận động và phát triển của phong trào cách mạng ở huyện Tràng Định, đồng thời, nâng  cao một bước cho phong trào cách mạng Lạng Sơn trong những giai đoạn sau.

2. Di tích lịch sử cấp Quốc gia Hang Cốc Mười (xếp hạng di tích Quốc gia năm 2004)

dl

Bia di tích cấp Quốc Gia hang Cốc Mười

Hang Cốc Mười thuộc thôn Nà Han (nay là thôn Cốc Mười) là nơi hoạt động bí mật của chi bộ Phi Mỹ những năm trước cách mạng tháng Tám. Hang Cốc Mười nằm trong lòng dãy núi đá vôi, nằm ở phía đông bắc xã Tri Phương.

dl

Đường lên hang Cốc Mười

Hang Cốc Mười là nơi in ấn, cất giấu tài liệu, báo chí, truyền đơn cách mạng. Hang cũng là nơi đoàn cán bộ Trung ương (gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh...) sau khi dự Hội nghị trung ương 8 tại Cao Bằng (tháng 5/1941) đã dừng lại nghỉ và truyền bá nội dung Hội nghị đến đảng viên và quần chúng Nhân dân trên địa bàn huyện.

dl

Những đoạn đường đi lên hang Cốc Mười đã được xây bậc thang, tổng số là 366 bậc. Đường lên hang uốn lượn, men theo triền núi, lắt léo, hiểm trở qua những nương ngô ngút ngàn xen lẫn những dãy núi đá lởm chởm, những cung đường quanh co, uốn lượn giữa lưng trời; cảnh quan núi rừng thật hoang sơ và kỳ vĩ.

dl

Tiếp tục cuộc hành trình; du khách sẽ mất khoảng 30 phút leo núi với dốc cao dựng đứng tựa như lên đến bầu trời. Ngoảnh đầu lên là biển mây trôi lơ lửng, tại đây du khách có thể thả hồn, phóng tầm mắt của mình quan sát phía xa xa là bản làng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng đang e ấp bên sườn núi.

dl

Cửa hang Cốc Mười

 

Cửa hang quay về hướng Tây Bắc, rộng 2,5m, cao 3,5m, lòng hang tương đối rộng và thoáng mát.

Những hành trình khám phá điều bí mật bên trong các hang động luôn làm cho con người thêm kinh ngạc trước sức mạnh của tạo hóa, cũng như những gian truân vất vả của các thế hệ đi trước trong quá trình hoạt động cách mạng.

Lách qua cửa hang, vào bên trong hang khoảng 3m xuống theo các bậc thang, với độ sâu chừng 5m chúng ta sẽ bắt gặp một khoảng rộng phía trước.

nd

Bước vào trong hang, du khách sẽ choáng ngợp trước những nhũ đá đủ các hình khối khác nhau, hiện ra một khoảng trống khá rộng rãi, ngước mắt lên du khách có thể chiêm ngưỡng các khối thạch nhũ lấp lánh.

dl

Càng đi sâu vào trong hang hiện ra là những bức “ rèm đá” tự nhiên rủ xuống, trên vòm trần là những nhũ đá mềm mại; với vô vàn thạch nhũ lấp lánh nhiều hình dạng màu sắc khác nhau: Có chỗ thì tụ lại trông xa như chồng lên nhau, chỗ thì như búp măng, búp sen; rủ xuống từ trên trần động, với nhiều hình dáng kỳ thú.

dl

Giữa các ngách trong hang, ngăn cách nhau bởi những khối thạch nhũ với đủ hình dạng theo trí tưởng tượng của mỗi người: như nàng tiên đang nằm ngủ, hình tiên ông; hình con voi, hổ…thật lung linh huyền ảo.

rem

Sau một hành trình dài; du khách có thể ghé qua bản làng của đồng bào dân tộc Tày , Nùng… nơi đây để thưởng thức đặc sản nổi tiếng như: Vịt quay, lợn quay, những quả mận chín mọng, vị ngọt lịm của những quả cam chín căng tròn nơi đây.

 

Thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương Tràng Định nói chung, cũng như xã Tri phương nói riêng không chỉ là thế trải rộng mênh mông, mà còn là sự hội tụ của núi non sông nước, mảnh đất gắn liền với những trang sử vàng son của dân tộc.

Chia tay với Tri Phương chắc hẳn du khách vẫn còn cảm thấy luyến tiếc vì chuyến đi ngày hôm nay của chúng ta quá vội vàng vì còn nhiều điểm du lịch lý thú mà chúng ta chưa kịp ghé qua để khám phá, nhiều món ngon chưa được thưởng thức như: di tích bản Bó, ngườm Pác Ả, Đâư Quạn...Khi mà Tri Phương mang trong mình một dòng văn hóa ẩm thực riêng biệt, mang đậm hương vị của núi rừng nơi đây.

Du khách hãy một lần ghé thăm Tri Phương, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng các bạn./.

 

Nguyễn Thị Tấm

UBND xã Tri Phương

 

 

 

About